Bản đồ các tiểu bang Hoa Kỳ

 

   

Quốc kỳ

Quốc Huy

A- GIỚI THIỆU CHUNG:

Hoa Kỳ (tên chính thức: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ) là một nước cộng hòa lập hiến liên bang gồm có 50 tiểu bang và một đặc khu liên bang. Quốc gia này nằm gần hoàn toàn trong tây bán cầu: 48 tiểu bang lục địa và thủ đô Washington, D.C., nằm giữa Bắc Mỹ, giáp Thái Bình Dương ở phía tây, Đại Tây Dương ở phía đông, Canada ở phía bắc, và Mexico ở phía nam. Tiểu bang Alaska nằm trong vùng tây bắc của lục địa Bắc Mỹ, giáp với Canada ở phía đông. Tiểu bang Hawaii nằm giữa Thái Bình Dương. Hoa Kỳ cũng có 14 lãnh thổ hay còn được gọi là vùng quốc hải rải rác trong vùng biển Caribbe và Thái Bình Dương.

Với 9,83 triệu km² và 305 triệu dân, Hoa Kỳ là quốc gia lớn hạng ba về tổng diện tích (xem phần địa lý để biết thêm chi tiết) và hạng ba về dân số trên thế giới. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đa dạng chủng tộc nhất trên thế giới, do kết quả của những cuộc di dân đến từ nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nền kinh tế quốc dân của Hoa Kỳ lớn nhất trên thế giới, với tổng sản phẩm nội địa (GDP) được ước tính cho năm 2008 là trên 14,3 ngàn tỉ đô la (khoảng 23% tổng sản lượng thế giới dựa trên GDP danh định, và gần 21% sức mua tương đương).

Quốc gia được thành lập ban đầu với mười ba thuộc địa của Vương quốc Anh nằm dọc theo bờ biển Đại Tây Dương. Sau khi tự tuyên bố trở thành các “tiểu quốc”, cả 13 cựu thuộc địa này đã đưa ra tuyên ngôn độc lập vào ngày 4 tháng 7 năm 1776. Các tiểu bang nổi loạn đã đánh bại Đế quốc Anh trong Chiến tranh Cách mạng Mỹ, đây là cuộc chiến tranh thuộc địa giành độc lập đầu tiên thành công trong lịch sử.

Hội nghị Liên bang quyết định sử dụng bản Hiến pháp Hoa Kỳ hiện tại vào ngày 17 tháng 9 năm 1787. Việc thông qua bản hiến pháp một năm sau đó đã biến các cựu thuộc địa thành một phần của một nước cộng hòa duy nhất. Đạo luật nhân quyền Hoa Kỳ gồm có mười tu chính án hiến pháp được thông qua năm 1791. Trong thế kỷ 19, Hoa Kỳ đã mua hoặc đã chiếm được thêm lãnh thổ từ Pháp, Đế quốc Tây Ban Nha, Mexico, và Đế quốc Nga, sáp nhập Cộng hòa Texas và Cộng hòa Hawaii. Nội chiến Hoa Kỳ kết thúc chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ và ngăn ngừa sự chia xé quốc gia. Chiến tranh Tây Ban Nha-Hoa Kỳ và Đệ nhất Thế chiến đã xác định vị thế siêu cường quân sự của Hoa Kỳ. Năm 1945, Hoa Kỳ trở thành quốc gia đầu tiên có vũ khí hạt nhân sau Đệ nhị Thế chiến và là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Là siêu cường duy nhất còn lại sau thời Chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ được nhiều quốc gia nhìn nhận như là một thế lực quân sự, văn hoá, và kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. 

B- TÊN GỌI:

Tên gọi Anh văn chính thức của nước này “The United States of America” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1776, lúc này chỉ mới có 13 bang đầu tiên. Ngày nay Hoa Kỳ gồm 50 bang, quận Columbia trực thuộc liên bang và một số lãnh thổ ở hải ngoại. Các cách viết tắt thông thường của United States of America gồm có United States, U.S., và U.S.A. Các tên thông tục cho quốc gia này bao gồm thuật từ thường sử dụng là America (Mỹ) hay là the States. Tên đầy đủ của quốc gia này lần đầu tiên được dùng chính thức trong Tuyên ngôn Độc lập như sau “Tuyên ngôn nhất trí đồng thuận của 13 tiểu bang Hợp chúng quốc Hoa Kỳ” được “Các đại biểu của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ” chấp thuận ngày 4 tháng 7 năm 1776. Tên hiện tại được khẳng định một lần nữa vào ngày 15 tháng 11 năm 1777 khi Đệ nhị Quốc hội Lục địa chấp thuận Những Điều khoản Liên hiệp. Điều khoản đầu phát biểu như sau “Tên gọi của Liên bang này sẽ là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.”

Tên Columbia cũng có một thời là tên thông dụng để chỉ châu Mỹ và Hoa Kỳ. Nó được lấy ra từ tên của Christopher Columbus, người khám phá ra châu Mỹ và tên này xuất hiện trong tên District of Columbia (chính là thủ đô Washington D.C. của Hoa Kỳ). Hình tượng Columbia với đặc điểm của một người phụ nữ xuất hiện trên một số tài liệu chính thức, bao gồm một số loại tiền của Hoa Kỳ. Cách thông thường để nói đến một công dân Hoa Kỳ là dùng từ người Mỹ (American).

Tên gọi “Hoa Kỳ” có xuất xứ từ Trung Quốc, ra đời vào khoảng nửa cuối thế kỷ 19. Một số người Trung Quốc khi thấy hình ảnh quốc kỳ nước Mỹ với rất nhiều hình ngôi sao trông tựa như những bông hoa đã nhân đó gọi quốc kỳ nước Mỹ là “Hoa Kỳ”, có nghĩa là “cờ hoa” và gọi nước Mỹ là “Hoa Kỳ” hoặc “Hoa Kỳ quốc”, nghĩa là “nước cờ hoa”. Hiện tại tên gọi này không còn phổ biến ở Trung Quốc nhưng vẫn được dùng nhiều ở Việt Nam.

Sử nhà Nguyễn Đại Nam thực lục chính biên vào thế kỷ 19 còn phiên âm tên nước này là Mỹ Lợi Kiên, Ma Ly Căn và Nhã Di Lý (thông qua tiếng Pháp: États-Unis)

C- ĐỊA LÝ:

Hoa Kỳ là quốc gia có tổng diện tích lớn thứ ba hoặc thứ tư trên thế giới, trước hoặc sau Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, tùy theo hai lãnh thổ mà Ấn Độ và Trung Hoa đang tranh chấp có được tính vào lãnh thổ Trung Hoa hay không. Nếu chỉ tính về phần mặt đất thì Hoa Kỳ lớn hạng ba sau Nga và Trung Hoa nhưng đứng ngay trước Canada (Canada lớn hơn Hoa Kỳ về tổng diện tích nhưng phần lớn lãnh thổ phía bắc của Canada là những khối băng, không phải là mặt đất). Hoa Kỳ Lục địa trải dài từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương và từ Canada đến Mexico và Vịnh Mexico. Alaska là tiểu bang lớn nhất về diện tích, giáp Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương và bị Canada chia cách khỏi Hoa Kỳ Lục địa. Hawaii gồm một chuỗi các đảo nằm trong Thái Bình Dương, phía tây nam Bắc Mỹ. Puerto Rico, lãnh thổ quốc hải đông dân nhất và lớn nhất của Hoa Kỳ, nằm trong đông bắc Caribbe. Trừ lãnh thổ Guam và phần cận tây nhất của Alaska, hầu như tất cả Hoa Kỳ nằm trong tây bán cầu.

Đồng bằng sát duyên hải Đại Tây Dương nhường phần xa hơn về phía bên trong đất liền cho các khu rừng dễ rụng lá theo mùa và các ngọn đồi trập chùng của vùng Piedmont. Dãy núi Appalachian chia vùng sát duyên hải phía đông ra khỏi vùng Ngũ Đại Hồ và thảo nguyên Trung Tây. Sông Mississippi-Missouri là hệ thống sông dài thứ tư trên thế giới chảy qua giữa nước Mỹ theo hướng chính là bắc-nam. Vùng đồng cỏ phì nhiêu và bằng phẳng của Đại Bình nguyên trải dài về phía tây. Rặng Thạch Sơn ở rìa phía tây của Đại Bình nguyên kéo dài từ bắc xuống nam băng ngang lục địa và có lúc đạt tới độ cao hơn 14.000 ft (4.300 m) tại Colorado. Vùng phía tây của Rặng Thạch Sơn đa số là hoang mạc như Hoang mạc Mojave và Đại Bồn địa có nhiều đá. Dãy núi Sierra Nevada chạy song song với Rặng Thạch Sơn và tương đối gần duyên hải Thái Bình Dương. Ở độ cao 20.320 ft (6.194 mét), Núi McKinley của Alaska là đỉnh cao nhất của Hoa Kỳ. Các núi lửa còn hoạt động là thường thấy khắp Quần đảo Alexander và Quần đảo Aleutian. Toàn bộ tiểu bang Hawaii được hình thành từ các đảo núi lửa nhiệt đới. Siêu núi lửa nằm dưới Công viên Quốc gia Yellowstone trong Rặng Thạch Sơn là một di thể núi lửa lớn nhất của lục địa.

Vì Hoa Kỳ có diện tích lớn và có nhiều địa hình rộng lớn nên Hoa Kỳ gần như có tất cả các loại khí hậu. Khí hậu ôn hòa có ở đa số các vùng, khí hậu nhiệt đới ở Hawaii và miền nam Florida, khí hậu địa cực ở Alaska, nữa khô hạn trong Đại Bình nguyên phía tây kinh tuyến 100 độ, khí hậu hoang mạc ở Tây nam, khí hậu Địa Trung Hải ở duyên hải California, và khô hạn ở Đại Bồn địa. Thời tiết khắt nghiệt thì hiếm khi thấy—các tiểu bang giáp ranh Vịnh Mexico thường bị đe dọa bởi bảo và phần lớn lốc xoáy của thế giới xảy ra trong Hoa Kỳ Lục địa, chủ yếu là miền Trung Tây.

D- CHÍNH PHỦ VÀ CHÍNH TRỊ:

Hoa Kỳ là liên bang tồn tại lâu đời nhất trên thế giới. Quốc gia này là một cộng hòa lập hiến mà “trong đó khối đa số cầm quyền bị kiềm chế bởi quyền của khối thiểu số được luật pháp bảo vệ.” Trên cơ bản Hoa Kỳ có cơ cấu giống như một nền Dân chủ đại nghị mặc dù các công dân Hoa Kỳ sinh sống tại các lãnh thổ không được tham gia bầu trực tiếp các viên chức liên bang. Chính phủ luôn bị chỉnh lý bởi một hệ thống kiểm tra và cân bằng do Hiến pháp Hoa Kỳ định nghĩa. Hiến pháp Hoa Kỳ là tài liệu pháp lý tối cao của quốc gia và đóng vai trò như một bản khế ước xã hội đối với nhân dân Hoa Kỳ. Trong hệ thống liên bang của Hoa Kỳ, công dân Hoa Kỳ có ba cấp bậc chính quyền, đó là liên bang, tiểu bang, và địa phương. Nhiệm vụ của chính quyền địa phương thông thường được phân chia giữa chính quyền quận và chính quyền khu tự quản (thành phố). Trong đa số trường hợp, các viên chức hành pháp và lập pháp được bầu lên theo thể thức công dân bầu ra duy nhất một ứng viên trong từng khu vực bầu cử. Không có đại biểu theo tỷ lệ ở cấp bậc liên bang, và rất hiếm khi có ở cấp bậc thấp hơn. Các viên chức nội các và toà án của liên bang và tiểu bang thường được ngành hành pháp đề cử và phải được ngành lập pháp chấp thuận. Tuy nhiên có một số thẩm pháp tiểu bang được bầu lên theo lối phổ thông đầu phiếu. Tuổi bầu cử là 18 và việc đăng ký cử tri là trách nhiệm cá nhân; không có luật bắt buộc phải tham gia bầu cử.

Chính quyền của Liên bang gồm có ba nhánh quyền lực:

·       Lập pháp: Quốc hội lưỡng viện gồm có Thượng viện và Hạ viện đặc trách làm luật liên bang, tuyên chiến, phê chuẩn các hiệp ước, có quyền quyết định về ngân sách, và có quyền ít khi được dùng đến là truất phế mà có thể bãi bỏ chức vụ của các viên chức đương nhiệm của chính phủ.

·       Hành pháp: tổng thống là tổng tư lệnh quân đội, có quyền phủ quyết các đạo luật của ngành lập pháp trước khi các đạo luật trở thành luật, bổ nhiệm Nội các và các viên chức khác giúp quản trị và thi hành chính sách cũng như luật liên bang.

·       Tư pháp: Tối cao Pháp viện và những tòa án liên bang thấp hơn trong đó các thẩm phán được tổng thống bổ nhiệm với sự chấp thuận của Thượng viện. Nhiệm vụ của ngành là diễn giải về luật và có thể đảo ngược các luật mà họ cho rằng vi hiến.

Hạ viện có 435 thành viên, mỗi thành viên đại diện cho một khu bầu cử quốc hội với nhiệm kỳ hai năm. Các ghế ở Hạ viện được chia theo tỉ lệ dân số tại 50 tiểu bang (trung bình mỗi dân biểu đại diện khoảng 646.946 cư dân). Theo Điều tra Dân số Hoa Kỳ năm 2000 (lần điều tra dân số kế tiếp sẽ là năm 2010), bảy tiểu bang chỉ có một đại diện tại Hạ viện trong khi California, tiểu bang đông dân nhất có đến 53 đại diện tại Hạ viện. Mỗi tiểu bang cho dù có đông dân hay ít dân cũng chỉ có hai Thượng nghị sĩ, được bầu với nhiệm kỳ sáu năm; một phần ba số Thượng nghị sĩ sẽ hết nhiệm kỳ cứ mỗi hai năm và các chiếc ghế trống đó ở Thượng viện sẵn sàng đưa ra bầu cử. Tổng thống phục vụ một nhiệm kỳ bốn năm và có thể được tái đắc cử nhưng không được phục vụ hơn hai nhiệm kỳ. Tổng thống không được bầu trực tiếp, nhưng qua một hệ thống đại cử tri đoàn trong đó số phiếu định đoạt được chia theo tỉ lệ từng tiểu bang (theo dân số). Tối cao Pháp viện, do Thẩm phán trưởng Hoa Kỳ lãnh đạo, có chín thành viên phục vụ cả đời trừ khi tự từ chức hay qua đời.

Tất cả các luật lệ và thủ tục pháp lý của chính phủ liên bang và chính quyền tiểu bang đều phải chịu sự duyệt xét, và bất cứ luật nào bị xét thấy là vi hiến bởi ngành tư pháp đều bị đảo ngược. Văn bản gốc của Hiến pháp thiết lập cơ cấu và những trách nhiệm của chính phủ liên bang, quan hệ giữa liên bang và từng tiểu bang, và những vấn đề trọng yếu về thẩm quyền kinh tế và quân sự. Điều một của Hiến pháp bảo vệ quyền đòi bồi thường nếu bị giam cầm bất hợp pháp, và Điều ba bảo đảm quyền được xét xử bởi một đoàn bồi thẩm trong tất cả các vụ án hình sự. Các Tu chính án Hiến pháp cần phải có sự chấp thuận của ba phần tư tổng số các tiểu bang. Hiến pháp được tu chính 27 lần; mười tu chính án đầu tiên tạo nên Đạo luật Nhân quyền, và Tu chính án 14 hình thành cơ bản trọng tâm các quyền cá nhân tại Hoa Kỳ.

Chính trị tại Hoa Kỳ hoạt động dưới một hệ thống lưỡng đảng gần như suốt chiều dài lịch sử Hoa Kỳ. Đối với các chức vụ được đưa ra bầu cử ở các cấp, bầu cử sơ bộ do tiểu bang đảm trách sẽ được tổ chức để chọn ra các ứng cử viên của từng đảng chính yếu để chuẩn bị cho tổng tuyển cử sau đó. Từ lần tổng tuyển cử năm 1856, hai đảng có ảnh hưởng chi phối là Đảng Dân chủ được thành lập năm 1824 (mặc dù nguồn gốc của đảng có thể lần tìm ngược về năm 1792), và Đảng Cộng hòa thành lập năm 1854. Tổng thống đương nhiệm, Barack Obama, là một người thuộc Đảng Dân chủ. Theo sau các cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2006 và cuộc tổng tuyển cử năm 2008, Đảng Dân chủ kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện. Thượng viện Hoa Kỳ có hai thượng nghị sĩ độc lập (không thuộc đảng nào) — một là cựu đảng viên của Đảng Dân chủ, người kia là người tự cho mình là theo chủ nghĩa xã hội. Mỗi thành viên của Hạ viện hiện tại hoặc là thuộc Đảng Dân chủ hoặc là thuộc Đảng Cộng hòa. Đa số gần như tuyệt đối các viên chức địa phương và tiểu bang cũng hoặc là thuộc Đảng Dân chủ hoặc là thuộc Đảng Cộng hòa. Trong suốt chiều dài lịch sử, các cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ luôn luôn có các ứng cử viên độc lập ra tranh cử tổng thống nhưng hầu hết đều không nổi bật và hầu như không giành được phiếu đại cử tri nào (và cũng chỉ chiếm một lượng rất nhỏ phiếu phổ thông).

Trong văn hóa chính trị Mỹ, Đảng Cộng hòa được xem là “center-right” hay là bảo thủ và Đảng Dân chủ được xem là “center-left” hay cấp tiến, nhưng thành viên của cả hai đảng có một tầm mức quan điểm rộng lớn. Trong một cuộc thăm dò tháng 8 năm 2007, 36% người Mỹ tự nhận mình là “bảo thủ,” 34% là “ôn hòa,” và 25% là “cấp tiến.” Theo một cách khác, tính theo số đông người lớn thì có 35,9% tự nhận là người thuộc Đảng Dân chủ, 32,9% độc lập, và 31,3% nhận là người thuộc Đảng Cộng hòa. Các tiểu bang Đông Bắc, Ngũ Đại Hồ, và Duyên hải miền Tây tương đối thiên lệch về cấp tiến — họ được biết theo cách nói chính trị là “các tiểu bang xanh.” “Các tiểu bang đỏ” của miền Nam và Rặng Thạch Sơn có chiều hướng bảo thủ.

E- KINH TẾ:

Hoa Kỳ có một nền kinh tế hỗn hợp tư bản chủ nghĩa được kích thích bởi tài nguyên thiên nhiên phong phú, một cơ sở hạ tầng phát triển tốt, và hiệu suất cao. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tổng sản phẩm nội địa của Hoa Kỳ hơn 13 ngàn tỉ đô la chiếm 20% tổng sản phẩm thế giới. Đây là tổng sản phẩm nội địa lớn nhất thế giới, lớn hơn một chút so với tổng sản phẩm nội địa kết hợp của Liên hiệp châu Âu ở sức mua tương đương năm 2006. Hoa Kỳ đứng hạng 8 thế giới về tổng sản lượng nội địa trên đầu người và hạng tư về tổng sản phẩm nội địa trên đầu người theo sức mua tương đương. Hoa Kỳ là nước nhập cảng hàng hóa lớn nhất và là nước xuất cảng đứng hạng nhì. Canada, Trung Hoa, Mexico, Nhật Bản, và Đức là các bạn hàng lớn nhất của Hoa Kỳ. Hàng xuất cảng hàng đầu là máy móc điện, trong khi xe hơi chiếm vị trí hàng đầu về nhập cảng. Nợ quốc gia của Hoa Kỳ lớn nhất trên thế giới; năm 2005 chiếm 23% tổng số nợ toàn thế giới. Tính theo % tổng sản phẩm nội địa, nợ của Hoa Kỳ xếp thứ 30 trong số 120 quốc gia mà số liệu sẵn có.

Phía cạnh tư nhân chiếm phần lớn nền kinh tế. Hoạt động kinh tế của chính phủ chiếm 12,4% tổng sản phẩm nội địa. Nền kinh tế là hậu công nghiệp, với khía cạnh dịch vụ đóng góp khoảng trên 75% tổng sản phẩm nội địa. Ngành thương nghiệp dẫn đầu, tính theo tổng doanh thu là buôn bán sĩ và lẽ; theo lợi tức khấu trừ là tài chánh và bảo hiểm. Hoa Kỳ vẫn là một siêu cường công nghiệp với các sản phẩm hóa học dẫn đầu ngành sản xuất. Hoa Kỳ là nước sản xuất dầu lớn hạng ba trên thế giới và nước tiêu thụ dầu đứng hạng nhất. Đây là nước sản xuất năng lượng điện và hạt nhân số một của thế giới cũng như khí đốt thiên nhiên hóa lỏng, nhôm, sulfur, phosphat, và muối. Nông nghiệp chỉ chiếm 1% GDP nhưng chiếm 60% sản xuất nông nghiệp của thế giới. Vụ mùa hái ra tiền dẫn đầu của Hoa Kỳ là cần sa mặc dù luật liên bang nghiêm cấm trồng và bán cần sa.

Ba phần tư các cơ sở làm ăn tại Hoa Kỳ không có lập sổ lương bổng, nhưng chúng chỉ chiếm một phần nhỏ giao dịch. Các hãng có sổ lương từ 500 hoặc nhiều hơn chiếm 49,1% tất cả các công nhân được trả lương; năm 2002, chiếm 59,1% giao dịch. Hoa Kỳ xếp hạng ba trong danh sách chỉ số thuận lợi làm ăn của Ngân hàng Thế giới. So với châu Âu, tài sản của Hoa Kỳ và thuế lợi tức thu được từ các tập đoàn thông thường cao hơn trong khi thuế tiêu thụ và nhân lực thấp hơn. Sở Giao dịch Chứng khoán New York lớn nhất thế giới theo giá trị đô la.

Năm 2005, 155 triệu người đã làm việc có lãnh lương, trong đó có 80% làm việc toàn thời gian. Phần đông khoảng 79% làm việc trong ngành cung cấp dịch vụ. Với khoảng 15,5 triệu người, chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội là hai lĩnh vực mướn người hàng đầu. Khoảng 12% công nhân Mỹ thuộc thành viên công đoàn, so với 30% tại Tây Âu. Hoa Kỳ đứng hạng nhất về dễ mướn và sa thải công nhân theo Ngân hàng Thế giới. Người Mỹ có chiều hướng làm việc nhiều giờ hơn mỗi năm so với công nhân tại các quốc gia phát triển khác, dùng ngày nghỉ phép ít hơn và ngắn hơn. Giữa năm 1973 và 2003, công việc một năm cho một người Mỹ trung bình tăng 199 giờ. Kết quả một phần, Hoa Kỳ vẫn là nước có hiệu xuất lao động cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không còn dẫn đầu hiệu xuất sản xuất tính trên mỗi giờ như đã từng như vậy giữa thập niên 1950 và thập niên 1990; công nhân tại Na Uy, Pháp, Bỉ, và Luxembourg hiện nay là các nước có hiệu xuất sản xuất trên giờ lao động cao hơn.

F- LỢI TỨC, PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI:

Theo Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, lợi tức trung bình của mỗi hộ gia đình trước khi lấy thuế trong năm 2005 là 46.326 đô la. Tính trung bình hai năm có mức từ 60.246 đô la ở New Jersey đến 34.396 đô la ở Mississippi. Dùng tỉ lệ hoán đổi sức mua tương đương, các mức lợi tức này tương đương với mức lợi tức tìm thấy tại các quốc gia hậu công nghiệp khác. Khoảng 13 % người Mỹ sống dưới mức nghèo do liên bang ấn định. Con số người Mỹ nghèo, gần 37 triệu người, thực sự hơn con số của năm 2001 đến 4 triệu người, là năm tận cùng của cuộc đình trệ kinh tế Hoa Kỳ vừa qua. Hoa Kỳ đứng hạng 8 trên thế giới trong Báo cáo Phát triển Con người năm 2006 của UNDP. Một cuộc nghiên cứu năm 2007 của UNICEF về sự phúc lợi của trẻ em trong 21 quốc gia công nghiệp hoá, bao gồm một tầm mức rộng lớn các yếu tố, đã xếp Hoa Kỳ gần chót.

Giữa năm 1967 và 2005, lợi tức trung bình của hộ gia đình tăng 30,6% tính theo giá trị đồng đô la không thay đổi theo thời gian, phần lớn là vì con số gia tăng các hộ gia đình có người làm hai công việc. Năm 2005, lợi tức trung bình của các hộ gia đình không phải người già giảm xuống năm thứ 5 liên tiếp. Mặc dù tiêu chuẩn sống có cải thiện đối với hầu như tất cả các giai cấp từ cuối thập niên 1970, sự khác biệt lợi tức đã gia tăng đã kể. Phần lợi tức mà 1% dân số trên đầu danh sách nhận được đã tăng đáng kể trong khi phần lợi tức của 90% dân số ở cuối danh sách lại giảm. Sự sai khác lợi tức giữa hai nhóm trong năm 2005 cũng lớn bằng như trong năm 1928. Theo chỉ số chuẩn Gini, sự sai khác về lợi tức tại Hoa Kỳ cao hơn bất cứ một quốc gia nào ở châu Âu. Một số kinh tế gia như Alan Greenspan cho rằng sự sai khác lợi tức tăng cao sẽ là điều đáng quan ngại.

Trong lúc các giai cấp xã hội Mỹ thiếu ranh giới định nghĩa rõ ràng, các nhà xã hội học nói rằng giai cấp xã hội là một biến số xã hội quan trọng. Nghề nghiệp, hấp thụ giáo dục, và lợi tức được dùng như những chỉ số chính nói đến tình trạng kinh tế xã hội. Dennis Gilbert của Cao đẳng Hamilton đã đề nghị một hệ thống, được những nhà xã hội học khác áp dụng, gồm có sáu giai cấp xã hội: một giai cấp thượng lưu hay tư bản gồm những người giàu có và quyền lực (1%), một giai cấp thượng trung lưu gồm các nhà nghiệp vụ có giáo dục cao (15%), một gia cấp trung lưu gồm những người bán nghiệp vụ và các thợ lành nghề (33%), một giai cấp lao động gồm những người lao động chân tay và thơ ký (33%), và hai giai cấp thấp hơn – lao động nghèo (13%) và hạ cấp phần lớn là thất nghiệp (12%). Giàu có tập trung cao độ: 10% dân số người lớn giữ 69,8% sự giàu có của toàn quốc gia, đứng hạng nhì so với bất cứ quốc gia dân chủ phát triển nào. Nhưng bù lại, thuế thu nhập ở Hoa Kỳ đánh vào người giàu rất nặng, thông thường là vào khoảng 40%. Từ số tiền thuế đánh vào người giàu, chính phủ sẽ sử dụng chúng để hoàn trả lại thuế cho người nghèo, hỗ trợ cho người có thu nhập trung bình nhưng có con nhỏ, trợ cấp tài chính và y tế miễn phí cho người già, trẻ em dưới tuổi trưởng thành, người bệnh không còn khả năng lao động … vv.

5 Thành phố đông dân nhất tại Hoa Kỳ (thống kê năm 2006)

Thứ tự

Tên thành phố

Số dân (trong phạm vi thành phố

1

New York

8.2 triệu

2

Los Angeles

3.8 triệu

3

Chicago

2.8 triệu

4

Houston

2.1 triệu

5

Phoenix

1.5 triệu

G- CHĂM SÓC SỨC KHỎE:

Tuổi thọ trung bình của người Mỹ là 77,8 tuổi, ngắn hơn con số tính chung của Tây Âu 1 năm, ngắn hơn Na Uy 3 năm và ngắn hơn Thụy Sĩ bốn năm. Hơn hai thập niên qua, thứ hạng về tuổi thọ trung bình của quốc gia đã giảm từ hạng 11 xuống hạng 42 của thế giới. Tỉ lệ chết của trẻ sơ sinh là 6,37 trên một ngàn trẻ, đặt Hoa Kỳ hạng thứ 42 trong 221 quốc gia, đứng sau tất cả các nước Tây Âu. Khoảng 1/3 dân số trưởng thành béo phì và thêm 1/3 có trọng lượng cân quá khổ; tỉ lệ béo phì là cao nhất trong thế giới kỹ nghệ hóa đã tăng gấp đôi trong 1/4 thế kỷ qua. Bệnh tiểu đường loại 2 có liên quan đến béo phì là căn bệnh thế kỷ đáng quan ngại đối với các nhà chăm sóc sức khỏe nghiệp vụ. Tỉ lệ có thai ở tuổi vị thành niên là 79,8 mỗi 1.000 phụ nữ thì cao gấp bốn lần so với Pháp và năm lần so với Đức. Việc phá thai tại Hoa Kỳ là một nguồn tạo ra tranh cãi chính trị sôi động. Nhiều tiểu bang cấm dùng công quỹ vào việc phá thai và có luật hạn chế việc phá thai vào thời kỳ sắp sinh nở, bắt buộc thông báo cho cha mẹ của trẻ vị thành niên muốn phá thai, và cưỡng bách một thời kỳ chờ đợi trước khi tiến hành phá thai. Trong khi việc phá thai có giảm sút, tỉ lệ phá thai tại Hoa Kỳ 241 vụ trên 1.000 trẻ sinh ra đời và tỉ lệ 15 vụ trên 1.000 phụ nữ tuổi từ 15–44 thì vẫn còn cao hơn so với đa số các quốc gia Tây Âu.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ vượt mức chi tiêu bất cứ quốc gia nào khác, tính theo cả số chi tiêu cho mỗi đầu người và % GDP. Không như đa số các quốc gia phát triển khác, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ không hoàn toàn xã hội hóa, thay vào đó nó dựa vào tài trợ phối hợp của cả công cộng và tư nhân. Năm 2004, bảo hiểm tư nhân đã trả khoảng 36 % chi tiêu về sức khỏe cho cá nhân, tiền túi của bệnh nhân chiếm 15 %, và các chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương trả khoảng 44 %. Hóa đơn y tế là lý do thông thường nhất khiến cá nhân khai phá sản tại Hoa Kỳ. Năm 2005, 46,6 triệu người Mỹ hay 15,9% dân số không có bảo hiểm y tế, 5,4 triệu người hơn so với năm 2001. Nguyên nhân chính con số người không có bảo hiểm y tế gia tăng là vì số người Mỹ có bảo hiểm do công ty nơi họ làm việc bảo trợ giảm từ 62,6% năm 2001 xuống còn 59,5% năm 2005. Khoảng 1/3 số người không bảo hiểm y tế sống trong các hộ gia đình có lợi tức hàng năm trên 50.000 đô la, phân nửa số hộ gia đình đó có lợi tức trên 75.000 đô la. Một phần ba số người khác có tiêu chuẩn nhưng không đăng ký xin bảo hiểm y tế công cộng. Năm 2006, Massachusetts trở thành tiểu bang đầu tiên yêu cầu phải có bảo hiểm y tế; California đang xem xét một luật tương tự.