Khi tham gia chương trình Định cư Mỹ EB-5, có rất nhiều thuật ngữ và cụm từ trong chương trình được viết tắt hoặc ghi chú gây khó hiểu cho các nhà đầu tư. Để giúp các anh/chị hiểu rõ hơn về Chương trình EB-5 cũng như dễ dàng theo dõi tình trạng hồ sơ của mình, Khai Phú sẽ giải thích rõ một số thuật ngữ thường gặp như sau:

United States Citizenship and Immigration Service (USCIS): Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ

Trực thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ, đây là Cơ quan Liên bang chịu trách nhiệm xử lý và quản lý hầu hết thị thực (visa) của nước Mỹ. Sau khi hồ sơ được chấp nhận, USCIS sẽ chuyển qua cho Trung tâm thị thực quốc gia (National Visa Center – NVC) để xếp lịch phỏng vấn.

Targeted Employment Area (TEA): Khu vực ưu tiên tạo việc làm

Khu vực ưu tiên tạo việc làm là những khu vực có tỷ lệ thất nghiệp cao hoặc là khu vực nông thôn. Đây là những khu vực địa lý tiếp nhận hồ sơ đầu tư chương trình EB-5 với nhiều điều kiện ưu đãi. Các nhà đầu tư EB-5 khi đầu tư vào một doanh nghiệp nằm trong khu vực TEA chỉ cần đầu tư $500.000 USD thay vì đầu tư $1 triệu USD như thông thường.

Child Status Protection Act (CSPA): Đạo luật Bảo vệ Tình trạng con cái độc thân dưới 21 tuổi

Đạo luật CSPA năm 2000 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 06/08/2002. Đạo luật được ban hành nhằm “đóng băng” tình trạng con độc thân dưới 21 tuổi cho một số đương đơn đã “quá tuổi” (quá 21 tuổi trước khi được cấp visa) do các trì hoãn về hành chính trong quá trình xử lý cấp visa.

Cách tính tuổi CSPA: Tuổi CSPA = Tuổi đương đơn vào ngày visa có hiệu lực – (Ngày đơn bảo lãnh được chấp thuận – Ngày Sở Di trú nhận đơn bảo lãnh)

Nắm rõ các thuật ngữ di trú sẽ giúp nhà đầu tư hiểu hơn về chương trình và tiến độ hồ sơ

Receipt number: Số biên nhận hồ sơ

Số biên nhận hồ sơ là số dùng để kiểm tra và theo dõi tiến độ hồ sơ của người nộp đơn. Số biên nhận hồ sơ thường bắt đầu bằng 3 chữ:

  • EAC: Vermont Service Center (Trung tâm dịch vụ Vermont);
  • WAC: California Service Center (Trung tâm dịch vụ California);
  • LIN: Nebraska Service Center (Trung tâm dịch vụ Nebraska);
  • SRC: Texas Service Center (Trung tâm dịch vụ Texas);
  • MSC: Missouri Service Center (Trung tâm dịch vụ Missouri);
  • YSC: Potomac Service Center (Trung tâm dịch vụ Potomac).

Ví dụ: Khi nhà đầu tư nhận được Receipt Number có số WACxxxx nghĩa là hồ sơ của nhà đầu tư sẽ được giải quyết tại Trung tâm dịch vụ California thuộc USCIS.

Approved date: Ngày chấp thuận

Là ngày USCIS chấp thuận hồ sơ bảo lãnh của đương đơn. Sau đó, hồ sơ sẽ được chuyển qua National Visa Center (NVC) – Trung tâm thị thực quốc gia để xếp lịch hẹn phỏng vấn tại nước sở tại.

Priority Date: Ngày ưu tiên

Ngày ưu tiên, ngày Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ nhận được đơn I-526 của nhà đầu tư, được dùng để lập Danh sách chờ xét duyệt visa nhằm xác định thứ tự ưu tiên khi cấp visa cho nhà đầu tư. Đó chính là khoảng thời gian mà người nộp đơn phải chờ đến lượt theo thứ tự của mình trước khi nhận được visa định cư. Căn cứ vào ngày ưu tiên, hồ sơ sẽ được giải quyết theo đúng trình tự, hồ sơ có ngày ưu tiên trước sẽ được giải quyết trước.

Cut-off date: ngày khóa sổ/ngày đáo hạn

Mỗi loại visa với số lượng giới hạn hàng năm nhất định sẽ có một ngày cut-off (ngày khóa sổ). Các hồ sơ có ngày ưu tiên (priority date) sớm hơn ngày cut-off mới có thể được lên lịch phỏng vấn trong tháng đó. Ngày cut-off luôn nằm trong bốn ngày sau: 1, 8, 15 hoặc 22 của tháng. Việc duy trì ngày cut-off giúp cho việc công bố lịch cấp chiếu khán di dân (Visa Bulletin) của NVC thuận lợi hơn. Sau khi hồ sơ đã được hoàn tất, nhân viên xử lý visa tại NVC sẽ sắp xếp hồ sơ thành 4 nhóm căn cứ vào 4 ngày nói trên:

  • Nhóm 1: Hồ sơ có ngày ưu tiên từ ngày 1 đến 7
  • Nhóm 2: Hồ sơ có ngày ưu tiên từ ngày 8 đến 14
  • Nhóm 3: Hồ sơ có ngày ưu tiên từ ngày 15 đến 21
  • Nhóm 4: Hồ sơ có ngày ưu tiên từ ngày 22 đến ngày cuối tháng

Ví dụ: Nếu ngày cut-off được cập nhật trên Visa Bulletin gần đây nhất là 15/07/2016, điều đó có nghĩa là những hồ sơ có ngày ưu tiên trước ngày cut-off thì hồ sơ đó mới đủ điều kiện đáo hạn và được xếp lịch phỏng vấn.

Lưu ý: Nếu ngày ưu tiên bằng với ngày cut-off thì cũng không được xem là đã đáo hạn.

 

I-526: Đơn xin nhập cư dành cho doanh nhân nước ngoài

Đơn I-526 là đơn đầu tiên các nhà đầu tư EB-5 nộp lên cho Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ. Đơn này bao gồm tất cả các chứng cứ cho thấy đương đơn định cư theo diện EB-5 hội đủ điều kiện để tham gia chương trình đầu tư. Sau khi được chấp thuận, đơn I-526 trở thành cơ sở để xét duyệt cho đơn thường trú của đương đơn chính EB-5, vợ hoặc chồng, và con cái chưa kết hôn dưới 21 tuổi.

Mẫu Thư chấp thuận đơn I-526 của nhà đầu tư Khai Phú

Conditional Permanent Resident: Thường trú nhân có điều kiện

Thường trú nhân có điều kiện là những người đã có thẻ xanh nhưng chịu những hạn chế nhất định về việc cư trú của họ tại Hoa Kỳ. Nhà đầu tư EB-5 trở thành thường trú nhân có điều kiện sau khi đơn I-485 hoặc DS-260 được chấp thuận. Nhà đầu tư phải nộp đơn xin làm thường trú nhân vĩnh viễn trong vòng 90 ngày trước khi thời hạn làm thường trú nhân có điều kiện hết hạn.

I-829: Đơn thỉnh nguyện dành cho Doanh nhân để loại bỏ việc cư trú có điều kiện

Đây là mẫu đơn cuối cùng mà đương đơn EB-5 trình lên USCIS. Đơn I-829 phải thể hiện đầy đủ chứng cứ nhà đầu tư đã đáp ứng đủ các điều kiện trong chương trình đầu tư EB-5 phù hợp với kế hoạch kinh doanh và báo cáo tài chính (nếu đơn bảo lãnh từ Trung tâm vùng) có trong mẫu đơn I-526 đầu tiên của các nhà đầu tư. Đơn I-829 loại bỏ những điều kiện cư trú trước đó về việc cư trú tại Hoa Kỳ của đương đơn để giúp cho nhà đầu tư EB-5, vợ hoặc chồng, và con độc thân dưới 21 tuổi trở thành thường trú nhân hợp pháp tại Hoa Kỳ sau khi đơn I-829 được phê duyệt.

 

Trên đây là 10 thuật ngữ và cụm từ di trú phổ biến thường được sử dụng trong Chương trình Đầu tư Định cư Mỹ EB-5. Khai Phú hy vọng đây là thông tin hữu ích dành cho các nhà đầu tư đang tìm hiểu về Chương trình EB-5 cho gia đình mình.

Quý nhà đầu tư quan tâm đến chương trình Đầu tư Định cư Mỹ diện EB-5, vui lòng liên hệ chúng tôi qua số hotline bên dưới để được tư vấn nhanh nhất:

KHAI PHÚ INVESTMENTS & MIGRATION

Văn phòng TP.HCM:

Tầng 34, Tòa nhà Bitexco Financial Tower, Số 2 Hải Triều Q1.

Hotline: 0901 888 804 – 0901 888 803 – (028) 6291 8889

 

Văn phòng Hà Nội:

Tầng 12, Tòa nhà Vinafor, Số 127 Lò Đúc, Q. Hai Bà Trưng.

Hotline: 0868 396 006