Australian Coat of Arms min

Quốc kỳ Úc

Quốc huy Úc

Diện tích

7,617,930 km2 (Lớn thứ 6 thế giới)

Thủ đô

Canberra

Thành phố lớn nhất

Sydney

Dân số, 2010

22,175,000 người

Mật độ dân số

2.83 người/km2

GDP/đầu người

USD $36,918 (Thứ 18 thế giới)

Tỷ lệ thất nghiệp 2009

Khoảng 5%

Úc có tên chính thức là Liên bang Australia (Commonwealth of Australia) là một quốc gia nằm ở Nam bán cầu. Đây là nước lớn thứ sáu trên thế giới, là nước duy nhất chiếm toàn bộ một lục địa và cũng là nước lớn nhất trong khu vực Úc-Á (Australasia)/châu Đại Dương. Nó cũng gồm một đảo lớn là Tasmania, một tiểu bang của Úc và nhiều hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Các nước láng giềng của Úc gồm có New Zealand về phía Đông Nam; Indonesia, Đông Timor và Papua New Guinea về phía Bắc; Quần đảo Solomon, Vanuatu và New Caledonia về phía Đông Bắc.

Lục địa Úc đã bắt đầu có thổ dân định cư từ 42,000 năm trước. Sau một vài chuyến viếng thăm lác đác của các ngư dân ở phương Bắc và các hình trình khám phá của người châu Âu mà đầu tiên là của người Hà Lan năm 1606, lãnh thổ phía Đông của Úc đã bị người Anh tuyên bố chủ quyền và họ bắt đầu thành lập những vùng lưu đày ở New South Wales từ ngày 26 tháng 1 năm 1788. Vì dân số ngày càng gia tăng và nhiều vùng đất mới được khám phá, năm thuộc địa hoàng gia tự trị mới được thành lập trong suốt thế kỷ 19.

Ngày 1 tháng 1 năm 1901, sáu thuộc địa chính thức liên kết trở thành một liên bang thống nhất dẫn tới việc Liên bang Australia ra đời. Từ đó Úc vẫn giữ vững thể chế chính trị dân chủ tự do và hiện vẫn nằm trong vương quốc thịnh vượng chung. Thủ đô của Úc là Canberra tọa lạc trong lãnh thổ Thủ đô Úc (ACT). Vì điều kiện thiên nhiên không thuận lợi sâu trong lục địa nên xấp xỉ 60% trong dân số 22 triệu người của Úc sống tập trung ở các thủ đô của bang như Sydney, Melbourne, Brisbane, Perth và Adelaide.

A- LỊCH SỬ
Aboriginal song and dance min

Thời điểm chính xác có người cư trú ở Úc vẫn còn là đề tài cho các nhà nghiên cứu. Có các bằng chứng khoa học mạnh mẽ xác nhận sự hiện diện của con người khoảng 50,000 năm trước, giai đoạn có những biến động sinh thái rộng lớn được tin là tương ứng với sự xâm nhập của con người. Tuy nhiên, cũng có suy đoán cho rằng con người đến vùng đất này sớm hơn nhiều, tận 100,000 năm trước hoặc lâu hơn nữa. Những người Úc đầu tiên là tổ tiên xa của thổ dân Úc, và đến Úc qua các cầu đất liền hoặc theo đường biển từ vùng Đông Nam Á ngày nay.

Việc có chung các loại động và thực vật giữa các vùng lân cận của Úc, Papua New Guinea, và Papua với các đảo Indonesia gần đó cho thấy trước đây tồn tại các cầu đất liền và chúng bị đóng khi mực nước biển dâng cao. Sự di chuyển truyền thống lịch sử của cư dân giữa các vùng này trong những chiếc thuyền buồm thô sơ cho thương mại và đánh cá, cho thấy có khả năng các thương gia Ả Rập và Trung Hoa đến các đảo phía bắc, biết được và rồi đến các bờ biển phía nam lục địa vào thế kỉ 9. Các bản đồ vẽ tại châu Âu từ cuối những năm 1400 cho thấy các phần của đường bờ biển.

Người châu Âu phát hiện ra vùng đất này vào năm 1522 nhờ công của nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Cristóvão de Mendonça, nhưng mãi đến thế kỉ 17 lục địa đảo này mới trở thành mục tiêu cho các cuộc thám hiểm của người châu Âu, trong đó vài cuộc hành trình đã trông thấy Terra Australis: nhà thám hiểm người Hà Lan Willem Jansz (1606), nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Luis Vaez de Torres khi đang phục vụ ở Tây Ban Nha (1607), và các nhà thám hiểm người Hà Lan Jan Carstensz (1623), Dirk Hartog và Abel Tasman (1642), tên ông này đã được đặt cho đảo Tasmania, nhưng chính ông ta lại đặt tên nó theo Anthoonij van Diemenslandt.

Các nhà thám hiểm người Anh đầu tiên là Willem Dampier ở bờ tây của lục địa vào năm 1688, và đại uý James Cook là người vào năm 1770 tuyên bố 2 phần 3 phía đông của lục địa thuộc chủ quyền Vương quốc Anh bất chấp chiếu lệnh từ vua George III về việc ban đầu kí kết hiệp ước với dân bản xứ. Báo cáo của ông ta gửi về Luân Đôn nói rằng Úc không có người sinh sống tạo cớ thúc đẩy việc thiết lập một thuộc địa lưu đày ở đó theo sau việc mất các thuộc địa châu Mĩ.

Thuộc địa hoàng gia (thuộc địa do Anh trực tiếp cai trị) của Anh ở New South Wales bắt đầu bằng việc thiết lập vùng định cư (sau này trở thành Sydney) tại cảng Jackson bởi đại tá Arthur Phillip vào ngày 26 tháng 1 năm 1788. Ngày đoàn tàu đầu tiên này (the First Fleet) cập bến sau đã trở thành ngày Quốc khánh của Úc.

Vùng đất Van Diemen (hiện nay là Tasmania) có người đến sống vào năm 1803, và trở thành thuộc địa riêng biệt vào 1825. Phần còn lại của lục địa, ngày nay là Tây Úc, được chính thức tuyên bố chủ quyền bởi Vương quốc Anh vàp năm 1829. Theo sau sự mở rộng định cư của người Anh, các thuộc đia riêng biệt được lập ra từ các phần của New South Wales: Nam Úc vào 1836, Victoria vào 1851 và Queensland vào 1859. Lãnh thổ phía Bắc được thành lập, như là một phần của thuộc địa Nam Úc, vào năm 1863.

Trong thời kì 1855-1890, 6 thuộc địa hoàng gia lần lượt trở thành các thuộc địa tự trị, tức tự quản lí công việc của chính mình. Luật pháp Anh được kế tục sử dụng vào thời điểm nhận quyền tự trị, và sau đó thay đổi bởi cơ quan lập pháp từng vùng. Chính phủ Anh vẫn giữ quyền điều khiển một số vấn đề, đặc biệt là ngoại vụ, phòng thủ, tàu thuyền quốc tế. Mặc dù có nền kinh tế dựa đáng kể vào nông thôn, Úc nhanh chóng đô thị hoá, tập trung nhất là quanh các thành phố Melbourne và Sydney. Vào những năm 1880 “Marvellous Melbourne” là thành phố lớn thứ hai trong Đế quốc Anh. Úc cũng giành được danh hiệu “thiên đường của người lao động” và là một nơi thí nghiệm cho cải cách xã hội, với kì bỏ phiếu kín đầu tiên và chính phủ đảng Lao Động đầu tiên trên thế giới.

Vào ngày 1 tháng 1 năm 1901, liên bang các thuộc địa được hoàn tất sau giai đoạn 10 năm thai nghén, và Liên bang Úc ra đời với tư cách là lãnh thổ của Đế quốc Anh. Lãnh thổ thủ đô Úc được tách khỏi New South Wales vào 1911, hình thành một nơi trung lập cho thủ đô mới của liên bang, Canberra (thủ đô lúc đầu là Melbourne). Mặc dù Úc đã trở nên độc lập về nhiều phương diện, chính phủ Anh vẫn giữ một số quyền lực cho đến khi Quy chế Westminster 1931 được Úc phê chuẩn vào năm 1942, và một số quyền lực trên lí thuyết của nghị viện Anh trên từng tiểu bang chưa hoàn toàn chấm dứt cho đến khi thông qua Đạo luật Úc năm 1986. Hiến pháp nguyên thuỷ cho phép chính quyền liên bang đề ra luật liên hệ đến bất cứ dân tộc nào, trừ thổ dân. Năm 1967, cuộc trưng cầu dân ý được hơn 90% người đi bầu ủng hộ việc cho phép chính quyền liên bang thông qua luật bảo vệ thổ dân và tính họ vào cuộc điều tra dân số.

B- ĐỊA LÝ VÀ KHÍ HẬU

Tổng diện tích tự nhiên của Úc là 7,617,930 km2. Tọa lạc trên mảng kiến tạo Ấn-Úc và bao quanh bởi Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Úc nằm cô lập với châu Á bởi biển Arafura và biển Timor. Úc có 34,218 km đường bờ biển bao gồm cả các đảo ngoài khơi và diện tích vùng đặc quyền kinh tế của Úc là 8,148,250 km2. Vùng đặc quyền kinh tế này không bao gồm lãnh thổ của nước này tại Nam Cực.

Great Barrier, rặng san hô lớn nhất thế giới, cách không xa bờ biển phía Tây Bắc và dài trên 2,000 km. Núi Augustus ở bang Tây Úc được coi là núi đá nguyên khối lớn nhất trên thế giới. Với chiều cao 2,228 m, núi Kosciuszlo ở Rặng núi lớn là đỉnh núi cao nhất trên lục địa Úc, mặc dù đỉnh Mawson ở đảo Herald còn cao hơn khi chiều cao đo được là 2,745 m.

Khí hậu tại Úc thay đổi tùy theo vùng miền. Có thể nói, trên cả nước Úc khí hậu khá ôn hòa: Mùa đông không quá lạnh lẽo và khắc nghiệt, mùa hè thì không quá oi bức và nghiệt ngã. Tại các tiểu bang phía bắc như Queensland và Lãnh thổ bắc Úc, khí hậu mang tính chất cận nhiệt đới. Thành phố Darwin của Bắc Úc có khí hậu khá giống một số vùng của Việt Nam quanh năm. Tiểu bang Queensland nổi tiếng với bờ biển dài và đẹp với khí hậu ấm áp, là nơi thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.

Các thành phố như Sydney, Canberra và Melbourne có khí hậu 4 mùa quanh năm. Nhiệt vào mùa đông tại Sydney và Melbourne lạnh nhất có thể xuống đến 2-30C trong khi ban ngày khoảng 10-150C. Vào mùa đông, cư dân có thể trượt tuyết tại các khu nghỉ mát trên núi vì hầu như tuyết không bao giờ rơi tại các thành phố lớn.

C- SINH THÁIwestern australia kangaroo beach min

Mặc dù phần lớn lãnh thổ của Úc thuộc loại hoang mạc hoặc bán hoang mạc nhưng nước này vẫn sở hữu nhiều loại môi trường sống phong phú, từ cây thạch nam trên núi cao cho tới rừng mưa nhiệt đới. Hàng triệu năm tiến hóa cô lập với các lục địa khác đã làm cho các loài động thực vật của Úc tiến hóa theo những hướng khác hẳn với những nơi khác trên thế giới. Kết quả là có một tỉ lệ lớn các loài của Úc không có mặt ở bất cứ nơi nào khác.

Ở cấp độ về loài, có khoảng 85% thực vật cây có hoa, 84% động vật có vú, hơn 45% các loài chim và khoảng 89% loài cá vùng ôn đới chỉ được tìm thấy ở Úc. Úc cũng là quốc gia có nhiều loài bò sát nhất thế giới với tổng cộng 755 loài. Nhiều vùng sinh thái của Úc, và tất nhiên cùng với sinh vật ở đây, đang bị đe dọa bởi các hoạt động của con người và sự xâm chiếm của các loài động thực vật từ nơi khác. Đạo luật bảo vệ môi trường và bảo tồn tính đa dạng sinh học của liên bang là một khuôn khổ pháp lý để cứu những loài sinh vật đang bị đe dọa. Nhiều vùng bảo vệ được thiết lập dưới kế hoạch hành động đa dạng sinh học của quốc gia nhằm cứu vớt những vùng sinh thái đặc chủng của Úc, 64 đầm lầy đã được ghi vào công ước Ramsar và 16 di sản thế giới đã được công nhận. Các rừng cây ở Úc thường có rất nhiều loại cây khuynh diệp và phần lớn mọc ở những vùng đất mưa nhiều.

queen minD- CHÍNH TRỊ

Liên bang Úc là một nhà nước theo thể chế quân chủ lập hiến với Nữ hoàng Elizabeth II của Vương quốc Anh cũng là Nữ hoàng của Úc, một vai trò riêng biệt và tách rời khỏi địa vị là Elizabeth II của Vương quốc Anh, và được chấp nhận rộng rãi là nguyên thủ quốc gia, mặc dù không được quy định trong hiến pháp và pháp luật của Úc. Nữ hoàng được đại diện trên danh nghĩa bởi Toàn quyền, nhưng trên thực tế Toàn quyền thực hiện vai trò hiến định hầu như độc lập với Nữ hoàng. Theo Hiến pháp Úc vai trò của Nữ hoàng hầu như hoàn toàn trên nghi thức. Mặc dù hiến pháp về mặt lý thuyết trao quyền hành pháp rộng rãi cho Toàn quyền, các quyền lực này ít khi được dùng trực tiếp, và theo truyền thống, chỉ được sử dụng khi được nội các cố vấn. Nội các gồm các bộ trưởng cao cấp của chính quyền và được Toàn quyền chỉ định dựa trên cố vấn của Thủ tướng. Trường hợp đáng chú ý nhất khi Toàn quyền Úc sử dụng đến quyền lực dự trữ của mình ngoài sự chỉ đạo của Thủ tướng là việc giải tán chính phủ của Whitlam trong cuộc khủng hoảng Hiến pháp năm 1975.

Hệ thống lãnh đạo được đảm trách bởi 3 quyền lực liên hệ lẫn nhau:   

·        Lập pháp: Quốc hội Liên bang
·        Hành pháp: Hội đồng Hành pháp (Toàn quyền, Thủ tướng và các Bộ trưởng)
·        Tư pháp: Toà án Tối cao Úc và các toà án liên bang.

Các nguyên tắc luật pháp cơ bản đã được thay đổi khi thông qua Đạo luật Úc 1986. Với đạo luật này, luật pháp Úc trở thành luật pháp mang tính quốc gia, loại bỏ quyền lực lí thuyết của Quốc hội Anh thi hành luật vi phạm Hiến pháp Úc; và Toà án Tối cao Úc được xác nhận là toà phúc thẩm cao nhất và duy nhất.

Úc có quốc hội liên bang lưỡng viện, gồm Thượng viện với 76 Thượng nghị sỹ và Hạ viện (Viện dân biểu) với 150 dân biểu (Hạ nghị sỹ). Bầu cử ở Úc là bầu cử bắt buộc (bị phạt tiền nếu không tham gia) và ưu tiên (cử tri đánh số ưu tiên chọn lựa trên các ứng viên). Dân biểu được bầu dựa trên số dân với mỗi đơn vị bầu cử (division hay electorat) chọn ra một dân biểu (một ghế). Tiểu bang càng đông dân thì càng có nhiều dân biểu vào Hạ viện và mỗi tiểu bang có tối thiểu 5 dân biểu. Trong Thượng viện, mỗi bang được 12 nghị sĩ và mỗi vùng lãnh thổ được 2 nghị sĩ đại diện bất kể dân số. Bầu cử cho hai viện này được tổ chức mỗi 3 năm, thường chỉ một nửa Thượng viện được bầu lại, vì Thượng nghị sĩ có nhiệm kì 6 năm. Chính phủ được thành lập dựa trên Hạ viện và người lãnh đạo của đảng chiếm đa số ở Hạ viện sẽ trở thành Thủ tướng. Nhiệm kì của chính phủ cũng là 3 năm, như nhiệm kì của dân biểu. Tuy nhiên chính phủ có thể trình Toàn quyền để giải tán quốc hội trước nhiệm kì và bầu lại.

Năm 1999 một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức về vấn đề thay đổi hiến pháp, chuyển Úc thành nước cộng hoà với một tổng thống được chỉ định thay cho vai trò của Nữ hoàng, nhưng kết quả trưng cầu đã bác bỏ điều này.

E- TIỂU BANG VÀ VÙNG LÃNH THỔ

Úc có 6 tiểu bang và hai vùng lãnh thổ chính nằm trên đại lục. Ngoài ra còn có một vài lãnh thổ phụ khác nằm dưới sự quản lý của chính phủ liên bang.

Các tiểu bang là New South Wales, Queensland, Nam Úc, Tasmania, Victoria và Tây Úc. Hai vùng lãnh thổ chính là Lãnh thổ Bắc và Lãnh thổ Thủ đô Úc. Ở hầu hết khía cạnh, chức năng của vùng lãnh thổ giống như của bang nhưng Quốc hội liên bang có thể tước bỏ quyền lập pháp của nghị viện lãnh thổ. Tương phản với bộ luật liên bang chỉ có thể gạt bỏ bộ luật của bang trong một số lĩnh vực cụ thể được quy định trong điều 51 của Hiến pháp Australia; nghị viện của bang vẫn có tất cả quyền hợp pháp còn lại bao gồm quyền đối với bệnh viện, giáo dục, cảnh sát, thẩm phán, đường sá, giao thông công cộng và chính phủ địa phương.

F- KINH TẾ

Đồng đôla Úc là đơn vị tiền tệ của Liên bang Úc, bao gồm đảo Giáng sinh, đảo Cocos và đảo Norfork, cũng như một số quốc gia độc lập khác trên Thái Bình Dương như Kiribati, Nauru và Tuvalu. Thị trường giao dịch An ninh Úc (ASE) và Tương lai Sydney (SFE) là hai thị trường chứng khoán lớn nhất nước Úc.

Nước Úc có một nền kinh tế khá thịnh vượng với thu nhập bình quân theo đầu người cao hơn Liên Hiệp Anh, Đức và Pháp một chút theo sức mua tương đương. Nước này cũng được xếp hạng ba về chỉ số phát triển con người của Liên hiệp quốc năm 2007 và hạng sáu về chỉ số chất lượng cuộc sống của tạp chí tin tức The Economist năm 2005. Nước Úc còn nắm giữ kỷ lục với 4 thành phố lớn nằm trong danh sách những thành phố dễ sống nhất thế giới là Melbourne (hạng 2), Perth (hạng 4), Adelaide (hạng 7) và Sydney (hạng 9). Việc chú trọng vào xuất khẩu hàng hóa hơn là sản xuất đã góp phần kích thích thị trường thương mại Úc một cách rõ rệt trong bối cảnh giá cả các mặt hàng leo thang từ đầu thế kỷ 21.

Mặc dù nông nghiệp và các ngành liên quan đến tài nguyên thiên nhiên chỉ chiếm có 3 và 5% GDP nhưng vẫn có vai trò quan trọng trong hoạt động xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu chính của Úc là Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và New Zealand.

G- DÂN SỐ

Hầu hết 22 triệu dân của Úc có nguồn gốc châu Âu từ những người khai hoang thời kỳ thuộc địa và người nhập cư trước khi Liên bang được thành lập, do đó có tới 90% dân số là con cháu của người Âu. Nhìn chung, những người khai hoang và nhập cư này tới từ quần đảo Anh-Ireland và cho tới ngày nay, phần đông người Úc vẫn có nguồn gốc từ đây.

Dân số của Úc đã tăng lên gấp 4 lần từ khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, khuyến khích bởi một chính sách nhập cư đầy tham vọng. Từ khi chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu cho tới tận năm 2000, gần 6 triệu người trong dân số đã tới Úc như những người nhập cư mới, nghĩa là cứ 7 người Úc thì có 2 người sinh ra ở nước ngoài. Hầu hết những người nhập cư đều được đào tạo nhưng chỉ tiêu nhập cư có tính cả thành viên gia đình và người tị nạn. Năm 2001, 5 nhóm sắc tộc lớn nhất trong số 23% người Úc sinh ở hải ngoại là người Anh, New Zealand, Ý, Việt Nam và Trung Quốc. Theo sau việc bãi bỏ chính sách Úc da trắng năm 1973, nhiều sáng kiến của chính phủ đã được thực thi nhằm đẩy mạnh sự hài hòa chủng tộc dựa vào chính sách đa văn hóa.

Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc gia của Úc. Tiếng Anh Úc vẫn có giọng phát âm và vốn từ vựng đặc biệt của nó. Theo như điều tra năm 2001 thì tiếng Anh là ngôn ngữ duy nhất được nói tại gia đình chiếm khoảng 80% dân số. Ngôn ngữ thông dụng thứ hai là tiếng Trung (2%), tiếng Ý (2%) và tiếng Hy Lạp (1.4%).

H- TÔN GIÁO

Úc không có một tôn giáo chính thức nào. Theo điều tra năm 2006 thì có 64% người Úc là tín đồ Cơ Đốc giáo trong đó 26% Công giáo La Mã và 19% Anh giáo. 19% được cho là “không tôn giáo” trong đó bao gồm những người theo chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa duy lý và theo thuyết bất khả tri. 12% số người không trả lời hoặc đưa ra được câu trả lời thích đáng về tôn giáo của họ. Khoảng 5% là người không theo đạo Cơ Đốc. Một số cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng Úc là một trong những nước ít mộ đạo nhất trong số các quốc gia phát triển, tôn giáo không đóng vai trò quan trọng trong đời sống của phần đông người Úc.

I – GIÁO DỤC

Đi học là việc bắt buộc tại hầu khắp nước Úc, bắt đầu từ khi trẻ lên 6 và kết thúc năm 15 tuổi (16 tuổi ở Nam Úc và Tasmania và 17 tuổi tại Tây Úc và Queensland), giúp tăng tỉ lệ người biết chữ lên tới 99%. Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế tổ chức bởi OECD hiện đang xếp nền giáo dục của Úc ở vị trí thứ 8 trong số những nền giáo dục tốt nhất thế giới, tốt hơn mức trung bình của OECD. Chính phủ ra nhiều học bổng để ủng hộ 38 trường đại học của Úc và nhiều trường đại học tư cũng nhận được nguồn tài chính từ chính phủ. Có một hệ thống đào tạo nghề cao hơn cao đẳng có tên là TAFE Institutes dành cho các đối tượng thương nhân. Xấp xỉ 58% người Úc trong độ tuổi từ 25 đến 64 có trong tay chứng chỉ nghề hoặc chứng chỉ cấp ba và tỉ lệ 49% tốt nghiệp cấp ba ở Úc thuộc loại cao nhất trong số các quốc gia OECD.

Các trường đại học tại Úc hầu hết là các trường đại học Tổng hợp. Các trường đại học nhận ngân sách từ Liên Bang cũng như một phần không nhỏ từ du học sinh các quốc gia đến học tại Úc. Dưới đây là danh sách một số trường đại học tiêu biểu tại Úc.

1.                University of Canberra

2.                Australian National University

3.                University of New South Wales

4.                University of Wollongong

5.                University of Sydney

6.                University of Newcastle

7.                University of Technology, Sydney

8.                Deakin University

9.                LaTrobe University

10.           Monash University

11.           University of Melbourne

12.           Swinburne University

13.           University of Queensland

14.           Queensland University of Technology

15.           University of Western Australia

16.           Curtin University

17.           University of South Australia

18.           University of Adelaide

19.           University of Tasmania